TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHÚ LỘC
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN (1945-1946)

1- Sự ra đời của Chi bộ đảng:

Ngày 25/8/1945, uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Bình do đồng chí Văn Tiến Dũng ra mắt nhân dân và tuyên bố “Ninh Bình hoàn toàn giải phóng”, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân trong toàn tỉnh.

Xã Phú Lộc thời kỳ này bao gồm 3 xã: Vân Lĩnh, Yên Lại, Bái Ngọc. Xã Vân Lĩnh gồm Làng Kho, Lai Các (Nay thôn Lai Các thuộc xã Quỳnh Lưu). Xã Bái Ngọc gồm làng Tùng Lộc, Bái Thượng. Xã Yên Lại gồm các Làng Giơ, Chủ, Chạ, Rịa.

Xã Vân Lĩnh lúc này đã có chi bộ đảng, do đồng chí Phạm Văn Minh làm bí thư, đồng chí Quách Văn Khái làm chủ tịch, đồng chí Kế phó chủ tịch. Riêng 2 xã Bái Ngọc và Yên Lại đều có các đảng viên phụ trách; xã Yên Lại do ông Bùi Văn Sử làm chủ tịch, ông Quyết phó chủ tịch, xã Bái Ngọc do ông Vận làm chủ tịch, ông Đàm làm phó chủ tịch. Như vậy là chi bộ Phú Lộc ra đời ngay sau khi giành được chính quyền, sau ngày đồng chí Văn Tiến Dũng công bố Ninh Bình giải phóng và thành lập Uỷ ban lâm thời kháng chiến (25/8/1945).

2- Chi bộ lãnh đạo nhân dân xây dựng củng cố chính quyền (1945-1946).

Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ Tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy đã có chính quyền cách mạng nhưng tình hình ở địa phương còn rất nhiều phức tạp, chính quyền dân chủ nhân dân mới thành lập chưa được ổn định, thiếu kinh nghiệm quản lý xã hội, vẫn phải đương đầu đối phó với biết bao khó khăn, chống chọi với tất cả các thế lực thù địch. Nạn đói năm 1945 đã gây nên hậu quả nặng nề, cướp đi sinh mạng hàng trăm người, nhiều người, nhiều gia đình phải đi tha hương cầu thực khắp nơi, hạn hán kéo dài, ruộng đồng khô nẻ trong khi đó dịch bệnh lại hoành hành, đời sống nhân dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn; bọn đế quốc, phong kiến gây nên tệ nạn xã hội nặng nề: cờ bạc, mê tín dị đoan phổ biến trong nhân dân. Bọn phản động nhân cơ hội lúc cách mạng đang gặp khó khăn lại có quân đồng minh Tưởng Giới Thạch kéo vào cướp vũ khí quân đội Nhật, chúng đưa một bộ phận lên đóng đồn tại phủ Nho Quan. Theo sau bọn Tưởng là một lũ các tổ chức phản động Việt quốc, Việt cách với âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Từ Nho Quan được sự hỗ trợ của quân Tưởng, bọn Việt quốc, Việt cách kéo đi khắp nơi trong đó có xã Phú Lộc nhằm khiêu khích nhân dân, chúng đưa ra những yêu sách vô lý buộc chính quyền và nhân dân ta phải chấp nhận. Mặt khác chúng gây rối trật tự trị an, ráo riết hoạt động móc nối xây dựng tổ chức phản động hòng giành vị trí thống trị xã hội với Đảng ta.

Bên cạnh những khó khăn đó, chi bộ lại chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức quản lý, lãnh đạo, đội ngũ cán bộ đảng viên quá ít, nhất là 2 xã Yên Lại và Bái Ngọc, Uỷ ban Cách mạng lâm thời vừa được thành lập, thành phần trong Uỷ ban còn nhiều phức tạp.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ Ninh Bình, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Huyện uỷ, Uỷ ban lâm thời huyện Nho Quan, ngay sau ngày khởi nghĩa thắng lợi chi bộ xã Phú Lộc dần ổn định và đi vào chỉ đạo xây dựng bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân, các tổ chức đoàn thể quần chúng ở từng thôn xóm lần lượt ra đời; được sự giúp đỡ của Uỷ ban Cách mạng lâm thời huyện Nho Quan, Uỷ ban Cách mạng lâm thời các xã Vân Lĩnh, Yên Lại, Bái Ngọc được thành lập và tuyên bố xoá bỏ bộ máy chính quyền của chế độ cũ, mặt khác ra sức xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân. Để thuận tiện cho việc quản lý, xã Vân Lĩnh chuyển giao thôn Lai Các về xã Quỳnh Lưu, làng Kho thành xã Phú Khố (nhất làng nhất xã), các thôn xóm đều có các tổ chức chính quyền lãnh đạo.

Nhiệm vụ của Uỷ ban lâm thời trong lúc này là tập trung củng cố chính quyền cách mạng, ổn định trật tự trị an ở thôn xóm, chỉ đạo tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp, tập trung củng cố chính quyền cách mạng và các đoàn thể, giáo dục tư tưởng chính trị, khuyến khích các hội viên tích cực sản xuất, tương trợ nhau trong lúc khó khăn.

Hội Nông dân cứu quốc, hội Phụ nữ cứu quốc, hội Bảo an cũng lần lượt được ra đời, hội viên của các tổ chức này trở về các thôn, xóm trong xã vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia các tổ chức cách mạng. Các hội quần chúng ngày một tăng về chất lượng và số lượng; cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ trọng trách trong bộ máy chính quyền và các tổ chức quần chúng.

Đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, lương giáo đều vui mừng, phấn khởi sôi nổi tham gia các phong trào thi đua ái quốc “Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc đói”, “diệt giặc ngoại xâm” phát triển mạnh mẽ.

Việc đầu tiên của chi bộ đảng và chính quyền xã thời gian này là phải giải quyết nạn đói, phát động nhân dân tăng gia sản xuất, nhân dân trong xã hưởng ứng rất tích cực, chăm bón lúa mùa, tát nước chống hạn, mở rộng diện tích khai hoang, chỉ trong một thời gian ngắn hàng trăm mẫu ngô, khoai, sắn đã được gieo trồng, mương máng được nạo vét, khơi thông; đắp đập, đào mương từ Đầm Bàn về Đồi Mít, đặc biệt là Mương Ba Kiệu được xây dựng và củng cố, đây là con mương dẫn thuỷ nhập điền, cung cấp nước cho nhân dân trong xã cày cấy, từ đó nạn đói từng bước được đẩy lùi. Bên cạnh đó chi bộ, chính quyền xã vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, các hủ tục ma chay, cưới xin, tảo hôn, mê tín dị đoan cũng dần được giải quyết.

Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, chi bộ và chính quyền xã Phú Lộc đã mở các lớp bình dân học vụ do ông Hoành làm trưởng ban, ông Thịnh phó ban, ông Đước uỷ viên. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có tổng số là 252 người đi học, chia thành 15 lớp và đã xóa mù chữ cho nhiều người.

Chi bộ đã chỉ đạo cho chính quyền mở đợt tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, lãnh đạo các tổ chức quần chúng đứng lên đấu tranh buộc các chủ đất phải thực hiện triệt để nội dung Sắc lệnh giảm tô của Chính phủ, mặt khác chính quyền còn vận động các chủ đất  giao lại ruộng đất cho nhân dân.

Phong trào thi đua tăng gia sản xuất đã trở thành hành động cách mạng của nhân dân trong xã. Chính quyền tập trung chỉ đạo tăng gia sản xuất, chỉ sau 3 tháng các cây mầu như ngô, khoai, sắn đã phủ mầu xanh. Nạn đói được giải quyết, chính quyền xã tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố cơ sở đảng, phát triển đảng viên phục vụ giai đoạn cách mạng mới và tiến hành hợp nhất 3 xã thành xã Yên Phú.

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Phú Lộc, xuất bản năm 2013.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ XÃ PHÚ LỘC
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 16