TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHÚ LỘC
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHÂN DÂN PHÚ LỘC THAM GIA DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC

Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân xã Phú Lộc đã nhiều lần đứng lên tham gia, giúp đỡ các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đấu tranh yêu nước cùng với đồng bào cả nước đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Sau chiến công vĩ đại đánh thắng 50 vạn quân xâm lược nhà Tần, An Dương Vương quyết định xây thành Cổ Loa, làng Giơ (làng Phú Gia) có 2 người con là Phạm Huy, Phạm Ngữ là tướng cùng với An Dương Vương đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tần, góp phần xây dựng thành Cổ Loa. Dân làng Phú Gia đã xây dựng đền thờ hai vị tướng và tôn làm thành hoàng của làng, trải qua thời gian và các biến cố lịch sử, đền thờ đã bị phá hủy, trên nền đất xưa, con em trong làng đã xây dựng lại ngôi đền mới và đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (Đền hiện nay ở phía đông bắc làng Giơ).

 Vào thời Tiền Lý (544-562) niên hiệu Thiên Đức, làng Chủ có ông Cương Dũng là vị tướng cùng với Lý Bí (Lý Bôn) lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đuổi Tiêu Tứ chiếm giữ thành Long Biên lập nên nhà nước độc lập đầu tiên (nước Vạn Xuân).

Sau khi Ngô Quyền mất, trong nước loạn 12 xứ quân. Đinh Bộ Lĩnh là người Động Hoa Lư, con của Đinh Công Trứ một nha tướng của Dương Đình Nghệ giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Đinh Bộ Lĩnh đã đứng lên dẹp loạn thống nhất đất nước, làng Kho có 2 vị tướng là Lê Du và Lê Chương đã cùng Vua Đinh dẹp loạn, góp phần vào việc thống nhất đất nước, xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên, mở nền dân chủ ở nước ta (Hiện nay vẫn còn đền thờ 2 vị tướng ở phía Đông làng Kho).

Thế kỷ thứ 15 quân Minh xâm lược nước ta, chúng đã gây ra cuộc chiến tranh vô cùng dã man. Vào cuối năm 1427 Lê Lợi cùng nghĩa  quân Lam Sơn đã đứng lên khởi nghĩa kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, nhân dân Phú Lộc đã đóng góp sức người, sức của cùng nghĩa quân kháng chiến, chỉ trong một trận chiến đấu nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt được 1.100 tên giặc và 100 con ngựa, tướng giặc Minh phải đền tội. Vua Lê đã cho xây dựng căn cứ và 2 kho lương thảo tại khu vực làng Kho, nhân dân Phú Lộc đã đắp đường từ Trại Lau sang Đồng Quan, qua Mả Xét về Làng Kho (hiện giờ vẫn còn dấu tích đường Nhà Lê), tích cực đóng góp xây dựng 2 kho lương thực tại khu vực làng Kho, từ đó có tên làng Kho cho đến nay.

Trong chiến dịch thần tốc của Quang Trung kéo quân ra Bắc Hà tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung đã cho một đội quân hành quân từ Tam Điệp lên Phủ Đồi, ra Rịa, lên Thiên Quan. Đạo quân này đã được nhân dân Phú Lộc đóng góp sức người và sức của góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.

Từ năm 1883 đến 1896, nhân dân Phú Lộc cùng với nhân dân Phú Long và nhiều nơi khác anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau sự kiện năm 1858 thực dân pháp đánh chiếm Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã cùng Đoàn nghĩa dũng gồm 400 người do ông Phạm Văn Nghị dẫn đầu vào Huế xin nhà vua cho đánh giặc cứu nước. Khi nghĩa quân kéo vào đến Huế thì hiệp ước vừa được ký kết, nhà vua chiếu chỉ cho đội quân này về quê hương làm ăn sinh sống. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh về khu vực làng Chạ quê hương làm ăn, khai khẩn đất hoang chờ thời cơ chống giặc.

Năm 1883 thực dân Pháp đánh chiếm Ninh Bình lần thứ 2. Sau khi chiếm được Nho Quan, thực dân Pháp tiến hành tổ chức lại bộ máy cai trị, dùng người Việt trị người Việt, chúng biết được cụ Nguyễn Văn Vĩnh là người có uy tín đối với nhân dân nên đã mời cụ ra làm Chánh tổng Văn Luận nhằm che mắt nhân dân, được một thời gian chúng lại cho làm chức “Hào phủ hội viễn” là người đại diện cho nhân dân phủ Nho Quan, từ đó có tên gọi  là Hào Thường.

Năm 1885 thực dân pháp có âm mưu chiếm đất đai vùng Yên Lại (nay là xã Phú Lộc) để thành lập đồn điền do tên Mẹcna người Pháp cai quản, chúng bắt nhân dân trong vùng phải trồng cà phê, chè, nuôi bò…vơ vét tài nguyên về Pháp. Cụ Hào Thường biết được âm mưu của chúng nên đã vận động nhân dân các làng, trại ra đấu tranh với chủ đồn điền, vận động các già làng làm đơn kiện lên tri phủ Nho Quan, Chánh xứ Ninh Bình và chính phủ bảo hộ Pháp không được chiếm đất của dân.

Năm 1887 hưởng ứng Phong trào Văn thân và cuộc nổi dậy chống Pháp của cụ Phạm Văn Nghị và cụ Bùi Cẩm. Cụ Hào Thường đã trực tiếp bắt liên lạc với ông Ngô Tử Tiên (tức Quận Chênh) là người được cụ Phạm Văn Nghị tin cậy giao nhiệm vụ xây dựng phong trào chống Pháp ở vùng Nho Quan, Ninh Bình. Được ông Ngô Tử Tiên chấp nhận, cụ Hào Thường đã bắt mối với ông Trần Văn Tựu ở làng Lai Các xã Quỳnh Lưu bàn bạc tiến hành xây dựng 2 căn cứ chống Pháp, tại làng Chạ do cụ Hào Thường phụ trách, tại Lai Các do cụ Trần Văn Tựu phụ trách.

Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Phú Lộc tích cực hưởng ứng các phong trào yêu nước đứng lên đấu tranh chống lại mọi sự áp bức và đồng hoá của kẻ thù, đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở cùng với nhân dân Quỳnh Lưu tiến lên làm cách mạng.

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Phú Lộc, xuất bản năm 2013.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ XÃ PHÚ LỘC
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 42
Hôm qua : 83