TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHÚ LỘC
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHONG TRÀO CÁCH MẠNG VÀ CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÂN DÂN THAM GIA KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN

Cuối tháng 4/1945, tại chùa Kho, đồng chí Đặng Văn Tài đã tổ chức cuộc mít tinh phổ biến Chỉ thị của Trung ương “Nhật Pháp đánh nhau và hành động cách mạng”, nêu cao thanh thế Việt Minh, phát động hội viên các hội quần chúng gia nhập tự vệ, mua sắm vũ khí, tham gia tập võ và tập quân sự, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang tập trung làm nòng cốt cho phong trào chuẩn bị khởi nghĩa, tiến hành xây dựng các đội tự vệ chiến đấu. Làng Chạ có các ông Tư Tùng (Quỳnh Lưu), Đinh Văn Ngoạn, Trần Văn Tiêu đã về tổ chức thành lập 2 đội tự vệ, 2 tổ thanh niên cứu quốc gồm 18 người,làng Kho thành lập trung đội tự vệ, do đồng chí Lê Đức Trí làm trung đội trưởng, làng Giơ thành lập 1 đội tự vệ gồm 9 người do ông Mầu Quang Thuỷ và ông Trần Văn Thành phụ trách, làng Chủ 1 đội tự vệ gồm 11 người do ông Phan Văn Phán phụ trách, làng Rịa 1 đội tự vệ gồm 5 người do ông Đinh Văn Trữ và ông Mai Văn Vân phụ trách. Các đội tự vệ thường xuyên luyện tập, mua sắm vũ khí, giữ gìn trật tự trị an trong thôn xóm.

Phong trào mua sắm vũ khí, quyên góp “đồng tiền cứu nước” ngày càng phát triển rộng rãi, được nhiều quần chúng nhân dân tham gia ủng hộ, nhân dân thôn Chợ Rịa đã thành lập cơ sở lò rèn, rèn giáo mác đưa về trang bị cho tự vệ. Công tác vận động binh lính địch quay về với nhân dân cũng được tổ chức cơ sở Đảng ở các làng trong xã triển khai, xúc tiến kịp thời, gấp rút.

Sáng ngày 11/8/1945, quân Nhật dùng 2 xe cam nhông chở đầy lính về đàn áp phong trào cách mạng vùng Quỳnh Lưu, hướng tấn công chính của chúng là làng Lũ Phong (xã Quỳnh Lưu). Do biết trước được Nhật sẽ về đàn áp phong trào cách mạng ở Quỳnh Lưu, đồng chí Nguyễn Văn Mộc, Bí thư Tỉnh uỷ đã triệu tập cuộc họp gồm các đồng chí phụ trách quân sự và các đồng chí phụ trách trung đội, tiểu đội giải phóng quân ở khu căn cứ và các làng xã trong vùng triển khai kế hoạch cụ thể phương án đánh địch bảo vệ khu căn cứ. Các đồng chí Tỉnh uỷ triển khai ngay phương án tác chiến, trung đội giải phóng quân chia làm 3 mũi phục kích, trong đó Trung đội tự vệ Phú Lộc cử một số đồng chí tham gia cùng tiểu đội giải phóng quân do đồng chí Tư Tùng phụ trách phục kích ở cây đa làng Mái cùng tự vệ của các thôn Lau, Vẹn, Xuân Quế, còn lại chia lực lượng thành 2 mũi, 1 mũi gây vật cản chặn đánh địch tại ngã ba cầu Rịa, một mũi phục tại khu vực Chùa La chặn đánh địch khi chúng rút về Nho Quan.

Đúng như ta đã nhận định, quân Nhật hành quân đến Quỳnh Lưu, chúng dừng xe ở 2 cây đa làng Mái (cây đa mục đồng – gần trường THPT Nho Quan A hiện nay) cạnh đường 59 (nay là đường 12B) rồi kéo quân vào làng Quỳnh (làng Hội), qua làng Hội sang Lũ Phong, chúng đi bằng 3 chiếc thuyền chia làm 2 mũi với ý định bao vây, chia cắt càn quét thôn Lũ Phong, khi chúng vượt qua sông Quỳnh đến Vườn Hồ khu vực chân đồi Chùa, bọn Nhật bị một tiểu đội giải phóng quân của ta phục kích bắn chết tên sĩ quan Nhật. Như rắn mất đầu, bọn lính vội vã mang xác tên chỉ huy quay trở lại nơi để xe rồi rút quân đến chân đồi Riềng (cạnh đường 59 xưa, nay là đường 12B), bọn Nhật lại bị một tiểu đội Giải phóng quân cùng tự vệ chiến đấu chặn đánh buộc chúng lại phải quay về hướng Nho Quan. Đến khu vực đồi Son (đồi Đô), chúng lại bị một tiểu đội giải phóng quân và tự vệ chiến đấu của các làng trong vùng Quỳnh Lưu, Phú Long, Phú Lộc chặn đánh, đồng chí Vũ Dũng dùng súng bắn chỉ thiên làm ám hiệu cho dân làng cùng du kích ra chiến đấu, quân địch cố sống cố chết chống trả rồi kéo chạy về Nho Quan, đến khu vực cầu Rịa, tự vệ ta chặt cây gáo làm chướng ngại vật cản đường đầu cầu buộc bọn Nhật phải chạy toán loạn lên khu vực Đồi Chè, Đồi Thông tìm đường chạy về Nho Quan, đến chùa La bọn Nhật lại bị các đội tự vệ chiến đấu của các làng Rịa, Kho, Chủ, Chạ, Giơ phục kích chặn đánh, cuộc chiến đấu diễn ra từ sáng đến 2 giờ chiều (ông Bùi Văn Phán hy sinh trong trận này). Trận đánh kết thúc, ta tiêu diệt nhiều tên địch và làm bị thương nhiều tên khác. Chiến thắng này làm cho thanh thế khu căn cứ ngày một vang dội và phá tan được tư tưởng sợ Nhật, không dám đánh Nhật. Cao trào kháng Nhật cứu nước ngày một dâng cao, không khí chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ngày một sôi nổi. Giặc Nhật hoang mang, bọn tay sai dao động, lo sợ, bộ máy cai trị của chúng từ huyện xuống xã bị lúng túng, sợ hãi trước xu thế phát triển của cách mạng.

Sau khi cân nhắc lực lượng giữa ta và địch, Tỉnh uỷ quyết định đánh chiếm huyện Gia Viễn trước. Theo đúng kế hoạch, sáng ngày 19/8/1945 (tức ngày 12/07 năm Ất Dậu), đội Giải phóng quân từ trung tâm căn cứ Quỳnh Lưu cùng các đội tự vệ chiến đấu của các làng Tùng Lộc, Giơ, Chủ, Chạ, Kho, Rịa tiến ra đánh chiếm huyện Gia Viễn. Ngay từ đêm hôm trước huyện trưởng huyện Gia Viễn đã bỏ chạy, Thanh niên cứu quốc vào huyện thuyết phục binh lính lấy được một số súng đạn và một số tiền Đông Dương, huyện lỵ Gia Viễn hoàn toàn giải phóng, cờ đỏ sao vàng được chuẩn bị trước đã tung bay trên nóc nhà huyện đường.

Trận đầu toàn thắng, lực lượng cách mạng lần đầu tiên được làm chủ huyện lỵ, khí thế cách mạng tưng bừng, quần chúng nhân dân phấn khởi hân hoan, tin chiến thắng như một làn gió mới lan khắp trong tỉnh. Các thôn, làng Kho, Tùng Lộc, Giơ, Chạ, Chủ, Rịa đã có nhiều nhà treo cờ đỏ sao vàng mừng chiến thắng.

Cùng ngày đó khi được tin huyện lỵ Gia Viễn giải phóng, các cơ sở của ta ở thị trấn Nho Quan sẵn sàng chuẩn bị phối hợp cùng các lực lượng giải phóng huyện lỵ, trung đội giải phóng quân Quỳnh Lưu kết hợp cùng nhân dân Phú Lộc, Quỳnh Lưu và nhân dân các xã nhanh chóng tiến về cướp chính quyền ở phủ lỵ Nho Quan, lực lượng vũ trang và quần chúng của ta đi dài trên hai cây số, tiến đến gốc đa Hòe Thị thì có một trung đội Nhật chặn lại, quân ta đấu tranh buộc Phủ trưởng bỏ chạy, binh lính đầu hàng nộp vũ khí. Việc đánh chiếm huyện lỵ Nho Quan thắng lợi (16 giờ ngày 19/8/1945). Sáng 20/8/1945, toàn dân kéo lên mít tinh tại phủ lỵ Nho Quan mừng cách mạng thành công. Như vậy chỉ trong một ngày Nho Quan và Gia Viễn đã được giải phóng.

Thời kỳ này Phú Lộc bao gồm 3 xã Vân Lĩnh, Bái Ngọc, Yên Lại.

Xã Vân Lĩnh gồm: làng Kho, làng Lai Các và lúc này đã có chi bộ đảng, bí thư là đồng chí Phạm Văn Minh, chủ tịch UBNDCM lâm thời do ông Quách Văn Khái phụ trách, ông Kế làm phó chủ tịch.

Xã Bái Ngọc gồm: Làng Tùng Lộc, làng Bái Thượng do ông Vận làm chủ tịch UBNDCM lâm thời, ông Đàm làm phó chủ tịch.

Xã Yên Lại gồm: Chợ rịa, làng Rịa, Làng Giơ, làng Chủ, làng Chạ, Trại Xanh do ông Bùi Văn Sử làm chủ tịch, ông Tộ làm phó chủ tịch, ông Duyên làm ủy viên thư ký.

Một thời gian sau chia tách làng Lai Các về với xã Quỳnh Lưu, làng Kho thành xã Phú Khố do ông Quách Văn Khái làm chủ tịch, ông Phết làm phó chủ tịch, ông Hoành phụ trách quân sự.

Từ khi chủ nghĩa Mác- Lênin được truyền bá vào Phú Lộc cho đến khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng 8/1945 thắng lợi, nhân dân Phú Lộc đã luôn cùng kề vai sát cánh với nhân dân vùng Quỳnh Lưu đứng ở mũi nhọn của các cuộc đấu tranh. Trong quá trình phát triển của cách mạng, Phú Lộc cùng với vùng Quỳnh Lưu là trung tâm căn cứ của cách mạng.

Từ khi có Đảng đến thời kỳ tiền khởi nghĩa, đến cách mạng tháng 8/1945 toàn thắng, Phú Lộc là nơi đi về hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng như đồng chí Nguyễn Văn Hoan, người truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Ninh Bình, đồng chí Đinh Tất Miễn, Văn Tiến Dũng, Trần Tử Bình, Vương Thừa Vũ...

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Phú Lộc, xuất bản năm 2013.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ XÃ PHÚ LỘC
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 57
Hôm qua : 83