TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHÚ LỘC
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đôi nét giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa Đình Bái Ngọc

Đôi nét giới thiệu quảng bá di tích lịch sử văn hóa Đình làng Bái Ngọc xã Phú Lộc

Nho Quan được biết đến là một địa phương có bề dày lịch sử và giàu truyền thống cách mạng. Gắn liền với các sự kiện lịch sử đó là các di sản văn hóa và tính đến thời điểm hiện nay Nho Quan đang lưu giữ trong mình trên 300 di sản văn hóa, với trên 50 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng; trong đó có một di tích duy nhất thờ Thành hoàng làng có công với dân với nước ở vùng Nho Quan, đó là đình làng Bái Ngọc, xã Phú Lộc.

Đình làng Bái Ngọc là nơi thờ ông Đinh Huy Cơ, còn gọi là cụ Bát Thanh, một danh nhân, một văn thân chống Pháp, một chỉ huy biên phòng canh giữ bầu trời vùng Ninh Bình xưa, một nhà doanh điền xứ khẩn hoang, mở rộng đất đai, xây dựng làng xã trên vùng đất Nho Quan. Công lao ấy được nhân dân địa phương nơi ông khai khẩn đất đai, lập làng đã dựng đình thờ ông với tư cách là Thành hoàng làng, là nơi đi về thắp hương tưởng nhớ công tích của người xưa, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho các thế hệ con em làng Bái Ngọc nói riêng và xã Phú Lộc nói chung ghi nhớ tự hào.

Cảnh quan đình làng Bái Ngọc

Theo gia phả của dòng họ Đinh Huy thôn Ngọc Động, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn thì ông Bát Thanh tên húy là Đinh Huy Cơ, chữ là Thanh Trung, thụy là Cung Doãn. Ông sinh vào năm Tự Đức thứ nhất (1848) xuất thân trong một gia đình nho giáo. Ngay từ thuở còn nhỏ ông được gia đình cho theo học các nhà nho yêu nước thời bấy giờ, cùng với tình yêu quê hương đất nước đã hun đúc nên một người con luôn sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, bảo vệ đất nước. Ông là người đã có công lao to lớn đối với dân, với nước, ông từng tham gia cùng đoàn nghĩa dũng vào Nam đánh giặc. Khi nhiệt huyết cách mạng chưa thực hiện được, ông cùng một số binh lính của đoàn nghĩa dũng về Nho Quan chiêu dân, lập làng luyện tập quân sỹ chờ thời cơ chống giặc Pháp xâm lược, ông về Bái Ngọc lập căn cứ tại trại lau, trại Vẹn. Cuối năm 1872, ông dựng cờ khởi nghĩa ở núi Hàm Rồng (nay là núi Sơn Dược, xã Gia Sinh) cờ đề 7 chữ “Đinh Hà Phù quốc Đại Tướng quân” có nghĩa là Đại tướng họ Đinh, họ Hà dựng cờ khởi nghĩa phù quốc. Năm 1883, ông được cử làm Sơn Phòng Xứ. Tuy nhiên, cuối năm 1884 đầu năm 1885 hầu hết các tỉnh ở Bắc Kỳ lọt vào tay giặc, ông lại cùng các nghĩa binh về lập nên các trại “Điền tốt” nhằm bảo tồn lực lượng. Ông còn hướng dẫn nhân dân khai hoang phá rậm, trồng màu, cấy lúa. Biết ông là lãnh tụ của nghĩa quân chống Pháp, chính quyền thực dân luôn tìm cách hại ông để trừ họa. Năm 1897, nhân dịp ông đến dự Hội làng Lau, làng Vẹn, chính quyền tay sai đã cho lính bao vây làng bắt ông và đưa về giam tại Hà Nội, chúng buộc ông tội “Toa dụ” và đày đi Côn Đảo. Ngày 29 tháng 9 năm Kỷ Hợi (1899) ông mất tại Côn Đảo.

Với công tích chiêu dân lập ấp, ông đã được nhà vua phong “ Thành hoàng bản thổ khai canh thanh trung cung doãn đôn ứng Tôn thần vị tiền” (Đạo sắc hiện nay vẫn còn lưu giữ tại Nhà thờ họ quê hương ông). Hài cốt của ông sau này được đưa về an táng tại quê nhà và làng Bái Ngọc, nơi ông ở nhân dân đã lập đình thờ ông, đình làm bằng gỗ quý. Tuy nhiên, năm 1953 giặc Pháp tấn công Nho Quan, chúng đóng quân tại làng Bái Ngọc và dùng đình thờ cụ làm đồn tiền tiêu, sau rút lui chúng đốt phá đình. Năm 1997, nhân dân địa phương đã phục dựng lại đình thờ cụ trên nền móng cũ.

 

Mặt tiền đình Bái Ngọc

Ngôi đình được tọa lạc trên một khu đất cao nằm về phía Đông Nam của làng Bái Ngọc, với tổng diện tích 2.060m2, phía trước đình là một ao nhỏ, xung quanh là cánh đồng ruộng, đình quay hướng Đông Bắc, gồm 3 gian, diện tích 40m2, cột kèo bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam, cửa làm theo kiểu cửa bướm. Gian đầu đốc phía ngoài nhìn vào có ban thờ để bài vị ghi tên các liệt sỹ trong làng; gian giữa có ban thờ đặt tượng cụ Bát Thanh và bát hương thờ cụ; gian thứ ba đặt bài vị thờ phụ mẫu thành hoàng. Phía ngoài cửa gian giữa có bức đại tự “Chủ sinh dân”, hai bên có đôi câu đối:

Đạo tại như tâm dân phụ mẫu

Tâm thành thương định tế xuân thu”

Nghĩa là:

“Đạo ở trong lòng dân tôn kính như cha mẹ

Với tấm lòng thành hàng năm định kỳ tế lễ vào hai mùa xuân, thu”.

Đình làng Bái Ngọc hiện nay còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị như: 02 đạo sắc phong cho cụ Bát Thanh là Thành hoàng làng của các đời vua, tượng cụ Bát Thanh cùng các đồ thờ tự như bát hương, ngai thờ, mâm bồng….

                              Tượng cụ Bát Thanh

Hàng năm, lễ hội đình làng Bái Ngọc được tổ chức vào ngày kỵ của ông. Trong lễ hội, theo truyền thống, trước khi vào tế chính có lễ khai quang, thần sái tẩy uế sau đó mới chính thức là lễ tế thành hoàng. Đội tế gồm một cụ chủ tế đầu đội mũ hia, mặc áo dài đứng chính giữa tiền đường, hai bồi tế đứng ở hai bên. Chủ tế đọc sắc phong, thần phả, hai bồi tế thay nhau đọc tấu sớ với nội dung tấu trình các công việc mà dân làng cầu xin như cầu bình an, cầu sức khỏe…Ngoài ngày kỳ ra dân làng còn mở cửa đình vào các ngày đầu xuân để nhân dân trong làng và trong vùng đến thắp hương dâng tế lễ tưởng nhớ công lao thần cầu phúc, cầu may đầu xuân. Khi tế lễ xong nhân dân trong làng thường tổ chức các trò chơi như đánh cờ, chọi gà, đánh tổ tôm…

Với các giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa, đình làng Bái Ngọc đã được xếp hạng là Di tích cấp tỉnh năm 2005.

                                                         Nguồn tư liệu: Phòng Văn hóa Thông tin huyện


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ XÃ PHÚ LỘC
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 40
Hôm qua : 67