TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHÚ LỘC
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đôi nét về khu di tích lịch sử Văn hóa Đền làng Kho- xã Phú Lộc

Đền làng Kho, tọa lạc tại xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là một di tích nằm trong hệ thống đền thờ các vị tướng cùng vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước, lập nên nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền mở nền dân chủ ở nước ta. Nơi đây còn gắn liền với vùng Khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Ninh Bình.

Đền làng Kho là nơi thờ hai vị tướng người làng Lê Du và Lê Chương. Đây là hai nhà quân sự mưu lược thế kỷ X đã cùng góp sức với vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

Toàn cảnh đền làng Kho

  Theo thần phả của làng chép rằng, thân phụ và thân mẫu của hai ông vốn là người đức độ, một ngày kia khi đang nằm ngủ ngoài hiên, bà mơ thấy gió mát từng đợt thổi ào tới và thấy hai con rồng vàng từ trên trời thẳng xuống trước sân nhà sau thành hai con chim bạch yến. Bà mừng rỡ bắt được, lúc tỉnh dậy bà cảm thấy có thai và mãi sau bà sinh được hai người con cùng giờ vào ngày 13 tháng 10 mùa đông năm Canh Thìn. Cả hai đều tuấn tú, khác hẳn người thường, thông minh xuất chúng, văn võ đều tinh thông. Năm các ông 21 tuổi, giữa lúc đất nước loạn lạc, hai ông đã chiêu tập nghĩa binh và chia thành 2 đồn đóng giữ, đồn thượng đóng ở đình Kho án ngữ phía tây do ông Lê Chương chỉ huy, đồn hạ án ngữ phía đông do ông Lê Du chỉ huy là đền làng Kho bây giờ.

Thời kỳ đó, Đinh Bộ Lĩnh nổi lên dẹp giặc, chiêu tập hiền tài, hai ông đã kéo quân lính về động Hoa Lư tụ nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, hai ông đã cùng với Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp khắp nơi, thu giang sơn về một mối. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, để trọng thưởng công lao của hai ông, vua Đinh đã phong cho ông Lê Du là Thanh y Trần Quốc công chính trang túc uy mục Đại vương và ông Lê Chương là Hiểm quang dũng mãnh đại tướng quân .Nhà vua cho phép hai ông vinh quy bái tổ. Về tới làng, hai ông cho binh lính cùng với dân làng làm Đình trên mảnh đất, trước là đồn của ông Lê Chương, ngôi đình đã bị thực dân Pháp đốt tháng 10-1953 sau khi thất bại trận tây nam Ninh Bình.

 Hai ông ở lại triều đình làm quan cho nhà Đinh được 9 năm sau đó lâm bệnh và chết trong cùng một ngày, ngày 15 tháng giêng. Thi hài hai ông được đưa về địa phương an táng; mộ phần của hai ông để tại đền Kho và dân làng dựng đền thờ hai ông ngay trên lăng mộ( hạ lăng thượng miếu)

Mặt trước đền làng Kho

Trong thời kỳ cách mạng kháng chiến, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo đền Kho cũng như làng Kho nằm trong vùng hoạt động của Khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. Đền là nơi đi về, trú chân của các đồng chí lãnh đạo khu căn cứ. Là nơi nhân dân làng Kho đánh chiêng trống uy hiếp quân Nhật rút về Nho Quan ngày 11/8/1945.

Không gian thờ tự chính tại đền

 Trước kia đền làng Kho có quy mô khá đồ sộ, cây cối tốt tươi, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian, cột kèo bằng gỗ lim, lợp ngói nam, có tường xây bao quanh. Năm 1953, đền bị thực dân Pháp ném bom làm hỏng 5 gian tiền đường, phần hậu cung và cảnh quan do thời gian thiên nhiên nắng hạn, lụt bão đã làm hư hỏng nhiều. Hòa bình lập lại nhân dân xã Phú Lộc nói chung và nhân dân làng Kho nói riêng đã đóng góp công đức xây dựng đền thờ hai ông trên nền móng cũ. Đặc biệt, trong những năm gần đây đền thờ được tu bổ cơ bản khang trang đẹp đẽ nhưng vẫn bảo tồn được nét kiến trúc cổ kính. Đền quay hướng Đông Nam, tọa lạc trên một khu đất cao với diện tích tính cả vùng đai bảo vệ là 01 ha; phía trước đền là sông, liền sông là cánh đồng ruộng canh tác của nhân dân trong làng. Hậu cung của ngôi đền là nơi thờ cúng bài vị Lê Du và Lê Chương; gian giữa của tiền bái có ban thờ phụ mẫu của hai vị tướng và thờ công đồng. Bên phải ngôi đền có miếu nhỏ thờ Đào Hoa công chúa, người trông coi việc sông nước (đây là sự hóa thân của Thủy Tinh công chúa, còn gọi là mẫu Thoải).

Bài vị thờ hai vị tướng

 

Trước đây đền làng Kho có rất nhiều đồ thờ tự quý như long ngai, bài vị, sắc phong. Do thời gian, thiên nhiên, con người, chiến tranh đã làm thất lạc và mất đi rất nhiều. Hiện nay, đền chỉ còn một số hiện vật sót lại và một số hiện vật bị thất lạc được sưu tầm về, đáng kể nhất là đôi câu đối thời Nguyễn và các đồ thờ cúng thời Nguyễn (Đỉnh hương đồng, bát hương đồng, chiêng đồng, bát hương sứ, mâm mịch, mâm bồng, ống hương…).

Đền làng Kho được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2004. Hàng năm, hội làng truyền thống diễn ra vào ngày 15 tháng giêng, nhân dân trong làng tập trung tại đền tổ chức tế, lễ và các trò chơi dân gian truyền thống.

 Đến đây vào mùa hè, du khách sẽ được ngắm nhìn một khung cảnh hết sức thơ mộng với cánh đồng lúa vàng trải dài hết tầm mắt cùng với không gian tĩnh lặng giữa chốn linh thiêng của ngôi đền. Hãy đến và cảm nhận.

                                                          

                                                         Nguồn tư liệu: Phòng Văn hóa Thông tin huyện


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

BẢN ĐỒ XÃ PHÚ LỘC
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 15
Hôm qua : 30