XÃ PHÚ LỘC - 60 NĂM THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN (1964-2024)
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, vùng đất Phú Lộc ngày nay được thay đổi với nhiều tên gọi khác nhau. Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, vùng đất này thuộc 3 xã và 2 tổng: Tam Đồng và Văn Luận. Xã Yên Lại gồm làng Rịa, làng Chạ, làng Giơ, làng Chủ, Trại Xanh (nay là Bản Xanh thuộc xã Kỳ Phú), Xã Phú Khố gồm làng Kho và một phần làng Ráy, Xã Bái Ngọc gồm làng Điền Tốt hạ, làng Bái Thượng.
Tháng 8/1945, được phân định thành 3 xã: Xã Yên Lại gồm làng Rịa, làng Giơ, làng Chủ, làng Chạ. Xã Vân Lĩnh gồm làng Phú Khố, làng Lai Các. Xã Bái Ngọc gồm các làng Điền Tốt hạ, làng Bái Thượng.
Năm 1946, xã được đổi tên thành xã Yên Phú.
Năm 1949 đổi thành xã Văn Phú. Đầu năm 1954, xã Văn Phú tách thành 4 xã gồm Văn Phú, Yên Phú, Kỳ Phú, Quang Trung. Tháng 7 năm 1964 xã Yên Phú đổi tên thành xã Phú Lộc.
Xã Phú Lộc hiện nay gồm 15 thôn: Lộc Ân, thôn Kho, thôn Rịa, thôn Phúc Lộc, thôn Chợ Rịa, thôn Đồi Chè, thôn Đồi Mít, thôn Đồi thông, thôn Đồi Chùa, thôn Hàm Rồng, thôn Đồi Lại, thôn Yên Thịnh, thôn Yên Thành, thôn Yên sơn và Thống Nhất. Toàn xã có 01 di tích Quốc gia là Cầu Rịa và 8 di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh gồm: Chùa Kho - Đền Kho, Đình làng Rịa, Đình Hương Thịnh, Đình Bái Ngọc, Đình Làng Giơ, Chùa Tiếu Và Đình Làng Rịa,
Về Kinh tế:
Tổng diện tích gieo trồng giữ ổn định ở mức 365 ha/năm, trong đó diện tích cây lương thực có hạt là 361 ha; diện tích lúa – cá 330 ha. Các cây trồng chủ yếu của xã hiện nay là cây lúa; ngô; lạc; mía và một số cây trồng khác. Sản lượng cây lương thực hằng năm đạt từ 2.300 tấn trở lên.
Địa bàn xã có Quốc lộ 12B từ Tam Điệp đi Hòa Bình; Quốc lộ 45 đi Thanh Hóa và tuyến đường du lịch Bái Đính – Cúc Phương, đồng thời cũng là trung tâm giao thương buôn bán của các xã phía Nam huyện Nho Quan và các vùng lân cận thành phố Tam Điệp, huyện Thạch Thành - Thanh Hóa, là trung tâm giao thương lớn thứ hai của huyện sau thị trấn Nho Quan.
Hệ thống công trình hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật được nhà nước hỗ trợ và đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương tương đối hoàn chỉnh như: Đường giao thông liên xã, trường học các cấp, trạm y tế, công trình thủy lợi, điện, nước… nên có nhiều điều kiện để phát triển thương mại, dịch vụ, nghề thủ công, mang lại thu nhập khá ổn định cho các hộ dân của xã.
Toàn xã có 08 doanh nghiệp tư nhân và 1.018 cơ sở kinh doanh, dịch vụ, buôn bán, sản xuất chế biến công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Doanh thu hằng năm ước đạt trên 120 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể tín chấp cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn.
Về văn hóa – xã hội:
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đạt kết quả tốt, đến năm 2023 toàn xã có 15/15 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa cấp huyện, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa 92%; có 03 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa 03 năm liền giai đoạn 2019 – 2022 và 03 cơ quan trường học văn hóa; 6/15 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hệ thống truyền thanh 3 cấp được đầu tư nâng cấp hiện đại, xã đã xây dựng hệ thống truyền thanh tiếp thu phát sóng đài cấp trên và phát tin bài của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đông đảo nhân dân.
Phong trào rèn luyện về sức khỏe luyện tập thể dục thể thao phát triển rộng rãi. Các môn thể thao mũi nhọn như cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn được duy trì và đạt kết quả cao. Xã đã có 03 câu lạc bộ thể thao đó là Câu lạc bộ Cầu lông, câu lạc bộ bóng bàn, Câu lạc bộ bóng đá. Các câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ liên thế hệ, câu lạc bộ hát chèo và các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ các thôn đi vào hoạt động sôi nổi; Toàn xã có 2 sân bóng đá, 1 sân thể dục thể thao.
Quy mô trường lớp ổn định, cơ sở vật chất của trường học được đầu tư xây dựng khang trang, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên, phong trào xã hội hóa giáo dục được quan tâm và phát triển sâu rộng. 100% trẻ em trong độ tuổi đi mẫu giáo, 100% trẻ em học sinh Tiểu học trong độ tuổi được đến trường; 97,9% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học Trung học phổ thông. Công tác xây dựng Trường chuẩn Quốc gia được đẩy mạnh, cả 3 trường đều đạt Chuẩn Quốc gia Mức độ 2.
Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm; chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng các đối tượng chính sách được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của xã là 1,6%.
Truyền thống và con người xã Phú Lộc
Xã Phú Lộc có trên 7 nghìn dân, gồm chủ yếu là dân tộc Kinh chiếm đa số (99,8 %); chỉ có 0,2 % đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghề nghiệp chính của người dân Phú Lộc là làm nông nghiệp; một số hộ làm nghề kinh doanh, buôn bán, chế biến, tiểu thủ công nghiệp. Phần lớn lực lượng lao động trong độ tuổi làm việc ở các công ty, doanh nghiệp. Do vị trí giao thông đi lại thuận tiện nên xã Phú Lộc cũng là một trong những xã dẫn đầu về phát triển kinh tế của huyện.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân xã Phú Lộc nhiều lần đứng lên tham gia, giúp đỡ các cuộc khởi nghĩa và các phong trào yêu nước, cùng với đồng bào cả nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Trong sự nghiệp chống ngoại xâm và xây dựng thành Cổ Loa của An Dương Vương, ở làng Giơ (làng Phú Gia) có các ông Phạm Huy và Phạm Ngữ là thuộc tướng của An Dương Vương, có công giúp An Dương Vương đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tần, góp phần xây dựng thành Cổ Loa. Sau khi hai ông mất, dân làng Phú Gia xây dựng đền thờ để tưởng nhớ và tôn hai ông làm thành hoàng của làng.
Trong cuộc dẹp loạn các sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh, ở làng Kho có 02 vị tướng là Lê Du và Lê Chương tham gia cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân, góp phần vào việc thống nhất đất nước. Hiện nay vẫn còn đền thờ hai ông ở phía Đông thôn Kho.
Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ 15, nhân dân xã Phú Lộc đã đóng góp nhiều công sức. Sau khi lên ngôi, vua Lê đã cho xây dựng căn cứ và hai kho lương thực tại khu vực làng Kho ngày nay.
Trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xân lược cuối năm 1789, vua Quang Trung cho một đội quân, từ Tam Điệp lên Phủ Đồi, ra Rịa lên Thiên Quan; Trong kháng chiến chống Pháp có cụ Nguyễn Văn Vĩnh cùng đoàn nghĩa dũng gồm 400 người do đốc học Phạm Văn Nghị dẫn đầu vào Huế xin triều đình cho đánh giặc cứu nước. Khi nghĩa quân kéo vào đến Huế thì hiệp ước Mác măng (1883) vừa được ký, triều đình yêu cầu đội quân này quay trở về quê hương làm ăn sinh sống. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh về khu vực làng Chạ, tổ chức khai khẩn đất hoang, chờ thời cơ chống giặc.
Năm 1885, thực dân Pháp có âm mưu chiếm vùng đất Yên Lại (nay là xã Phú Lộc), cụ Hào Thường đã vận động nhân dân các làng ra đấu tranh với chủ đồn điền, vận động các già làng làm đơn kiện lên tri phủ Nho Quan, chánh xứ Ninh Bình và chính phủ bảo hộ Pháp yêu cầu không cho chiếm đất của dân.
Năm 1887, hưởng ứng phong trào Cần Vương và cuộc nổi dậy chống Pháp của cụ Phạm Văn Nghị và cụ Bùi Cẩm, cụ Hào Thường đã trực tiếp bắt liên lạc với ông Ngô Tử Tiên (tức Quận Chênh) là người được cụ Phạm Văn Nghị tin cậy giao nhiệm vụ xây dựng phong trào chống Pháp ở vùng Nho Quan. Cụ Hào Thường phụ trách căn cứ chống Pháp tại làng Chạ, xã Phú Lộc.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con em xã Phú Lộc giàu lòng yêu nước đã lên đường tham gia đánh giặc cứu nước. Đã có những người con ra đi mãi mãi, sử sách đã ghi danh họ là anh hùng liệt sỹ, có những người là thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc hóa học trở về với đời thường, họ tiếp tục xây dựng quê hương Phú Lộc ngày càng giàu đẹp hơn.
Có thể nói, trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, vùng đất và con người Phú Lộc luôn tích cực tham gia và có những đóng góp to lớn về sức người, sức của để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã, nhân dân Phú Lộc tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm khang trang, sạch đẹp; Năm 2011 xã được tặng cờ thi đua cấp tỉnh; năm 2014 xã về đích Nông thôn mới; tháng 1 năm 2018, xã Phú Lộc được Chính phủ công nhận là xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; Năm 2023 xã Phú Lộc được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới Nâng cao.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển là khoảng thời gian không dài so với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, song xã Phú Lộc đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào. Với tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo của Nhân dân, cán bộ, đảng viên được phát huy, tạo ra những đột phá để đưa xã Phú Lộc vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu quan trọng.
Trong những năm gần đây, kinh tế của xã Phú Lộc luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành nghề và dịch vụ. Năm 2023 Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hằng năm đạt trên 7 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Kỷ niệm 60 năm thành lập thành xã Phú Lộc (1964- 2024) và công bố quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Phú Lộc ôn lại truyền thống hào hùng trong quá trình xây dựng và phát triển, bày tỏ sự tri ân đối với những đóng góp, cống hiến, sự hy sinh của các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Phú Lộc qua các thời kỳ cách mạng. Đồng thời cổ vũ và nâng cao hơn nữa ý chí tự lực, tự cường; tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Phú Lộc ATK ngày càng văn minh, phát triển.
Kế thừa, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, quyết tâm xây dựng Phú Lộc phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phú Lộc sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới hào hùng, làm rạng rỡ truyền thống của quê hương Phú Lộc thân yêu./.
+